Chuyện "hậu đài" Nửa đời hương phấn

Lẽ thường, có chuyện soạn giả chuyển thể cải lương từ các tác phẩm văn học; song "Nửa đời hương phấn" thì ngược lại. Năm 1989, xúc cảm trước vở tuồng này, nhà văn Mặc Tuyền đã phóng tác thành tiểu thuyết cùng tên, do Nhà xuất bản Long An ấn hành, in đến 6.200 cuốn, nay trở thành "sách hiếm". Rõ ràng, từ một câu chuyện sân khấu kịch tính, lấy nước mắt người xem nhưng hơn cả một vở tuồng, sức lan tỏa của "Nửa đời hương phấn" cho thấy tài hoa của bộ đôi tác giả Hà Triều- Hoa Phượng.Trong cuốn tiểu thuyết "Nửa đời hương phấn" của tác giả Mặc Tuyền, phần cuối quyển sách có gần chục trang in lại bài viết "Tiếng gọi thầm" của cố soạn giả Kiên Giang- Hà Huy Hà, kể về "hậu đài" của vở tuồng nức tiếng này.Nhà thơ Kiên Giang là soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh, rồi sau là Thanh Minh- Thanh Nga (thập niên 1950- 1960). Theo lời kể của soạn giả Kiên Giang, thời điểm đó xã hội Sài Gòn nổi lên một bộ phận người ăn chơi, xa hoa, trụy lạc; trong khi vùng nông thôn thì nghèo khổ, lầm than, dân quê sống không nổi. Bởi vậy, một số phụ nữ lên thành tìm kế sinh nhai, nuôi sống gia đình. Chốn thị thành ngàn muôn cạm bẫy, khiến không ít người sa chân, lầm đường lỡ bước. "Đủ hạng Tú bà và ma cô, ma cạo đã khai thác có bài bản cái kỹ nghệ mua bán thân xác những cô gái nạn nhân của chúng"- soạn giả Kiên Giang thuật lại. Xót xa cho những phận đời như thế, nhóm soạn giả thường trực (gồm 10 người) đã họp và gợi ý cho soạn giả viết các vở tuồng về đề tài này. Cuối cùng, "trọng trách" được giao cho bộ đôi soạn giả đang ăn khách là Hà Triều- Hoa Phượng. Mấy tháng sau, chuyện đời truân chuyên của cô Hương (The) được gửi gắm trong xấp kịch bản dày 60 trang, với tên gọi "Vợ tôi là đĩ".

Theo lời kể cố soạn giả Kiên Giang, ông có quen một cô gái có tên giả là Lý Lệ Hằng. Ban ngày cô vẫn giữ vẻ gái quê thuần hậu, giỏi văn chương, nhưng ban đêm cô "hành nghề" trong một số khu biệt thự cao cấp. Ông đã quyết định cho cô Lệ Hằng xem kịch bản này; và chính cô đã khóc như mưa trên từng trang bản thảo vì "đọc trang nào cũng thấy mình trong đó". Nhưng gấp quyển kịch bản, ngắm nhìn tựa vở "Vợ tôi là đĩ", cô Lệ Hằng / ngập ngừng: "Tội nghiệp chúng em mà! Nhà văn, nhà thơ nỡ nào gọi chúng em là đĩ sao?...". Cố soạn giả Kiên Giang thừa nhận: "Tiếng khóc uất nghẹn và câu hỏi của Hằng làm cho tôi bối rối, xót xa".

Vậy rồi, sau một đêm trăn trở với tựa kịch bản, soạn giả Kiên Giang băn khoăn giữa "Nửa đời hoa" và "Nửa đời hương phấn" sau hàng chục cái tựa khác bị loại bỏ. Ông đem lại cho cô Lệ Hằng coi, cô mỉm cười: "Em sẽ làm lại phân nửa đời hoa còn lại, sau khi chấm dứt nửa đời hương phấn của em". Hiểu ý, soạn giả Kiên Giang đã đặt tên cho kịch bản của Hà Triều- Hoa Phượng là "Nửa đời hương phấn".

Soạn giả Kiên Giang kể thêm, ngay khi ra mắt, vở tuồng này đã chiếm kỷ lục về doanh thu và số khán giả tràn ngập trong nhiều năm. Bài ca và dĩa nhựa được phổ biến khắp từ thành thị tới thôn quê. Điều thú vị là rất nhiều cô gái bị ép làm kỹ nữ phải lén đi xem tuồng vì bọn ma cô và tú bà cấm cản. Lần gặp lại sau này, cô Lệ Hằng đã cám ơn soạn giả Kiên Giang và hai soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng vì đã cứu đời cô bằng một vở cải lương. Cô nói rằng, tình tiết vở giống hệt đời cô và vô vàn cô gái khác. "Em đã khóc nửa đời hương phấn của em trong nửa đời hương phấn trên sân khấu. Bây giờ em đã gạt nước mắt"- soạn giả Kiên Giang thuật lại lời nói của cô Lệ Hằng. Rồi ông cảm tác thành thơ: